Add Headings and they will appear in your table of contents.

Hoạt động thi thử vào 10 môn Lịch sử


Đến hẹn lại lên, giữa cái nắng hè chói chang, tháng 6 dường như nắng hơn bao giờ hết khi hàng triệu học sinh khối 9 trong cả nước lại bước vào kì thi quan trọng - kì thi chuyển cấp, khép lại hành trình 4 năm ở bậc THCS, đồng thời mở ra những lựa chọn quan trọng về định hướng học tập, nghề nghiệp... tại ngôi trường phổ thông sắp tới. Có thể nói, kì thi chuyển cấp THCS là một kì thi mang tính bước ngoặt đối với bất kỳ học sinh nào, ít nhiều tạo áp lực cho cả học sinh và quý cha mẹ.

Năm nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước lựa chọn Lịch sử là môn thi tiếp theo sau Toán, Văn, Anh. Trong tình hình Cô Vy “ghé thăm” nhưng ở lại dài dài khiến cho các bạn học sinh càng vất vả hơn khi mọi hoạt động học-tập và ôn luyện gặp rất nhiều khó khăn. Hiểu được điều này, với mong muốn giúp các em rèn luyện kĩ năng làm bài thi Lịch sử, cọ sát với đề thi, khảo sát năng lực… tổ SS đã tiến hành lên kế hoạch cho hoạt động thi thử vào lớp 10 môn Lịch sử. Đề thi được mô phỏng theo cấu trúc đề thi tham khảo năm 2021 của Sở giáo dục Hà Nội, bám sát chương trình Lịch sử lớp 9.

Kì thi đã đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các em học sinh và cha mẹ. Sau khi nhận được hơn 4000 bài thi thử, tổ SS đã chấm chữa, tổng hợp một số lỗi sai thường gặp của các em khi làm bài, phân tích và gợi ý một số “bí quyết” giúp các em có thể hoàn thành được bài thi với số điểm cao nhất.

Các cô giáo tổ SS chúc các em học sinh sức khỏe và sự tự tin để bước vào kì thi tới đây với tâm thế tốt nhất nhé.



Lịch sử 21 năm chỉ trong một Timeline


Dạy học online không hoàn toàn giống với dạy học tương tác trực tiếp trên lớp, bởi sự hạn chế về tương tác mặt đối mặt, hạn chế bởi không gian xa cách. Đổi lại, dạy học online tạo ra cơ hội phát huy ưu thế của công cụ trực quan nghe nhìn một cách "gọn nhẹ", tăng hiệu quả phát huy tư duy bậc cao trong dạy-học, thay vì chỉ chú trọng vào hiệu ứng của các công cụ hay thu hút sự chú ý của học sinh vào các ứng dụng nghe nhìn.

Trong những năm 1954-1975, Việt Nam là một trong những tâm điểm của thế giới, với những cuộc chiến đẫm máu, nước mắt, bùn đen. Đó là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (nhìn từ phía Việt Nam), là cuộc Chiến tranh Việt Nam (nhìn từ nước Mĩ), là cuộc đụng đầu hai phe Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa (trong cái nhìn từ Liên Xô và quốc tế), là cuộc chiến tàn khốc giữa những người con của mẹ Việt Nam nhưng ở hai chiến tuyến.

Với kỹ năng khái quát, bấy nhiêu hùng tráng, bi thương, khốc liệt gói vào trong một Timeline.


Nghiên cứu bài học theo FEI

Hà Nội “bận” trở lạnh, còn chúng tôi “bận” chờ nhau hoàn thành #CLR!

Sau “n” ngày ngồi cùng nhau, bàn cùng nhau, suy nghĩ cùng nhau…. thì quá trình nghiên cứu bài học (NCBH) theo FEI của tổ KHXH đã đến giai đoạn cuối cùng.

Ngay những ngày đầu tiên, từ công đoạn “còm” trên WPL để hiểu NCBH là gì mà tại sao lại quan trọng đến thế; đến những ngày xác định vai trò của từng người, khảo sát khó khăn của học sinh, xác định giải pháp để cải thiện năng lực cho các con; sau đó là quá trình thiết kế bài học, nghiên cứu, phân tích, giảng thử….

Mỗi một bài học không chỉ là ý tưởng của một thành viên mà còn là tâm huyết, là tình cảm của cả team với mong muốn quá trình nghiên cứu thực sự mang lại hiệu quả và có ý nghĩa đối với việc dạy-học.

Quá trình NCBH là khoảng thời gian mà ở đó, từng thành viên đều có cơ hội học hỏi, có cơ hội khảo sát thực trạng học sinh và đặt mình vào vị trí của các con, để cả cô và trò đều trưởng thành hơn từng ngày. Những bức ảnh, những video, những ghi chép tỉ mỉ đã được từng thành viên chia sẻ và thảo luận sau khi kết thúc công đoạn dạy-dự giờ. Hi vọng với những hình ảnh này sẽ mang đến cho chúng ta –những “nhà giáo toàn năng” động lực để thực hiện tốt việc dạy-học của mình.

Hà Nội bé tí teo đã và đang ôm trọn cái se lạnh, cái giá buốt của mùa đông hanh khô.

Hà Nội có thể trở lạnh nhưng chắc chắn với những nỗ lực và tinh thần CBE thì các chiến binh H.A.S sẽ ấm áp hơn khi hoàn thành NCBH.



Đa dạng hóa nguồn tư liệu để phát triển tư duy lịch sử


Rất nhiều năm qua, sách giáo khoa được coi như là "pháp lệnh" và là nguồn tài liệu duy nhất cung cấp kiến thức. Sách giáo khoa cũng là nguồn giới hạn và căn cứ để định ra kiến thức trong các bài kiếm tra thường xuyên và định kỳ của học sinh.

Trên thực tế, việc học thuộc lòng sách giáo khoa lịch sử không giúp học sinh có kỹ năng hay tư duy lịch sử. Quan điểm lịch sử có tính đa chiều, các sử gia cũng như những người học sử, đọc sử sẽ nhìn nhận và đánh giá sự kiện ở các góc nhìn khác nhau, dựa trên tư tưởng, ý thức hệ, tầm nhìn và điều mình biết. Nếu chỉ biết một quan điểm, học sinh sẽ bị "choáng, sốc" với những gì khác điều mình đã biết, hoặc bị mất phương hướng.

Để hình thành và phát triển tư duy lịch sử cho học sinh, giáo viên có nhiều cách, trong đó có sử dụng đa dạng các nguồn tư liệu và cung cấp nhiều quan điểm đánh giá về một sự kiện, một nhân vật. Học sinh sẽ tìm đọc tư liệu, sẽ phân tích, sẽ đặt ra các câu hỏi để lựa chọn cho mình một quan điểm và lập luận thuyết phục người nghe dựa trên tư liệu.



Nghiên cứu bài học theo FEI mùa Covid


“Niềm cô đơn của những người thầy

Là khi muốn dạy nhưng COVID-19 lại tìm”

Mặc dù COVID tới khiến bao kế hoạch của các cô bị đảo lộn, thế nhưng, Cô Vy có đến nhà thì các cô cũng không ngại nhé.

Với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, không ngừng cố gắng để phát triển năng lực, kĩ năng cho các bạn học sinh thân yêu, các giáo viên tổ SS đã có những buổi họp online xuyên thời gian, những giờ cùng nhau thiết kế lại kế hoạch dạy-học, điều chỉnh phương pháp, kĩ thuật dạy-học. Cuối cùng thì thành quả mà các cô nhận được cũng khá “ngọt ngào” khi mà mục tiêu đặt ra cũng đạt được 90%. Và đương nhiên, kế hoạch của các cô không thể thành công nếu thiếu sự cố gắng của các con.

Lần “quay xe” này dù hơi gấp gáp nhưng với niềm tin, hành động và sự cố gắng của cô trò H.A.S thì quá trình NCBH thời COVID cũng đã hoàn thành. Cám ơn các tình yêu nhỏ nhà H.A.S đã tiếp thêm động lực cho các cô, để rồi các cô lại cảm thấy yêu nghề hơn, vững tin hơn trên con đường mình đã chọn.

Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè tháng 6, khi các bạn học sinh đã nghỉ hè thì các thầy cô vẫn miệt mài làm việc trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Tổ SS gửi lời chúc sức khỏe tới tất cả các cán bộ nhân viên Nhà trường, chúc các tình yêu nhỏ nhà H.A.S có một kì nghỉ hè vui vẻ nhé



Đánh giá khảo sát năng lực – Bước đệm cho sự phát triển năng lực người học

Giáo dục đổi mới từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực là một hành trình dài với sự chuyển đổi của nhiều yếu tố trong quá trình dạy-học, trong đó đổi mới/điều chỉnh về chương trình, về phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới/điều chỉnh về kiểm tra đánh giá. Từ đó, đánh giá trong giáo dục đang được chuyển mình từ đánh giá tiếp cận nội dung sang đánh giá tiếp cận năng lực với một số định hướng cụ thể như:

  • Chuyển từ góc nhìn đánh giá với tư cách là một hoạt động độc lập với quá trình dạy-học sang đánh giá là một khâu/bước trong quá trình dạy-học.

  • Chuyển từ đánh giá tổng kết sang đánh giá quá trình.

  • Chuyển từ đánh giá khả năng ghi nhớ, thông hiểu nội dung kiến thức sang đánh giá mức độ vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề mang tính thực tế.

  • Ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt các biện pháp, công cụ đánh giá.

Có thể thấy, những định hướng trên đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của hoạt động kiểm tra- đánh giá trong quá trình dạy học. Hoạt động này được thực hiện xuyên suốt quá trình từ trước-trong và sau quá trình học tập, với quan điểm: đánh giá như một hoạt động học tập.

Nhằm cụ thể hóa những định hướng đổi mới của hoạt động kiểm tra đánh giá và giúp học sinh chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng, chủ động thích nghi với một năm học đầy biến động, phức tạp, trường PTLC H.A.S tổ chức đánh giá khảo sát năng lực học sinh toàn trường từ 24/8 đến 9/9.

Với phương châm “đánh giá vì sự tiến bộ của người học”, tổ Khoa học xã hội đã tiến hành đánh giá khảo sát năng lực Khoa học xã hội đối với các học sinh. Để quá trình dạy-học đạt được hiệu quả cao, phát triển tối đa năng lực người học, các nhiệm vụ đánh giá năng lực Khoa học xã hội được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: bài tập nhóm, thuyết trình, trả lời câu hỏi dựa trên tài liệu… Các hình thức đánh giá được thiết kế linh hoạt, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Kết quả của bài đánh giá là cơ sở giúp thầy/cô và các bạn học sinh biết được điểm xuất phát, để thiết lập mục tiêu học tập và xây dựng lô trình cá nhân hóa tiến tới hoàn thành mục tiêu của mình. Đây cũng là cơ hội để thầy/cô và các bạn học sinh chuẩn bị trạng thái xuất phát tốt nhất cho hành trình một năm học.

Thực hiện đánh giá năng lực đầu năm học 2021-2022, tổ Khoa học xã hội mong muốn loại bỏ những áp lực và căng thẳng về điểm số, xếp loại thành tích trong phạm vi lớp học, trường học nói riêng và trong giáo dục nói chung. Thêm vào đó, hoạt động này giúp các bạn học sinh nhận thức rõ về việc học tập của mình với những điểm mạnh, điểm cần cải thiện, hướng cải thiện và giải pháp cụ thể. Các con được trao quyền, được làm chủ, được sở hữu quá trình học tập của bản thân.

Đánh giá trong giáo dục, trong bối cảnh mới tại H.A.S, không chỉ hướng đến đánh giá các mục tiêu mà còn đảm bảo hướng đến học tập theo nhu cầu và cá nhân hóa, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc học tập ở các bậc học cao hơn, cho các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai và đảm bảo quá trình tự học suốt đời của từng cá nhân người học.